Nokia N1 kể từ khi bán mảng hand phone cho Microsoft, Nokia đã "dừng cuộc chơi" ở thị trường điện thoại cầm tay - nơi mà họ từng vô địch trong một thời gian dài. Nhưng mới đây Nokia đã trở lại với chiếc máy tính bảng có tên Nokia N1, việc này đã khiến cho nhiều người chú ý.
Nokia N1 cũng là một bảo chứng ngầm cho chất lượng hoàn thiện phần cứng cũng như phần mềm. Đây cũng là lần đầu tiên Nokia sản xuất máy tính bảng chạy nền tảng Android.
Với kích thước 200,7 x 138,6 x 6,9mm cùng trọng lượng 318g, Nokia N1 đã gây tranh cãi lớn khi bị coi là nhái kiểu của iPad Mini, vì ấn tương chung về kiểu dáng và chiều kích chỉ chênh lệch từ 5-7mm. Cả Nokia N1 và iPad mini 3 đều dùng màn hình 7,9 inch IPS với công nghệ đèn nền LED backlight. Màn hình của cả 2 máy đều có độ phân giải 2.048 x 1.536 pixel cho mật độ điểm ảnh 326ppi. Nói ngắn gọn là kích cỡ màn hình và chất lượng hiển thị của 2 thiết bị này giống hệt nhau, về kích cỡ và trọng lượng thì N1 mỏng nhẹ hơn một chút.
Nokia N1 đã thiết kế chiếc tablet đầu tiên của mình gần giống với iPad Mini, các chỉ số kích thước, kiểu dáng cũng như màn hình gần tương tự. Song cũng không quá khó để nhận ra khá nhiều điểm khác biệt giữa N1 với mẫu tablet nhỏ nhất của Apple. Đầu tiên là viền cong của Nokia N1 khác iPad Mini ở dải tiếp xúc giữa màn hình và viền cạnh. Nokia có cạnh bo cong tạo cảm giác liền lạc hơn, nhưng cũng khiến việc cầm trên tay khá trơn với lớp vỏ kim loại, dễ tuột tay.
Khác biệt dễ nhận thấy nữa là iPad dùng chuẩn kết nối Lightning, còn Nokia N1 là sản phẩm đầu tiên trên thế giới sử dụng cổng USB Type-C với ưu điểm kết nối đa nhiệm và cho phép cắm tự do cả 2 mặt. Ngoài ra N1 cũng được tích hợp kết nối WiFi ac chuẩn tốc độ kết nối cao nhất hiện nay.
Sau cùng, N1 không hỗ trợ trợ nút gạt nằm trên 2 phím âm lượng như iPad, do đó người dùng cần chỉnh các thiết lập như bật/tắt âm thanh hay khoá xoay phải làm bằng tay trên màn hình cảm ứng.
Được ra mắt khá sớm nhưng Nokia N1 vẫn cài đặt sẵn nền tảng Android Lollipop mới nhất của Google. Thêm vào đó, sản phẩm còn chạy một giao diện chỉnh sửa của riêng hãng với tên Nokia Z Launcher. Đây là một khác biệt quan trọng đối với trải nghiệm của người dùng.Ví dụ, khi mở khoá màn hình, Nokia N1 sẽ chuyển đến giao diện chính với các ứng dụng đã chạy trước đó. Để tìm kiếm ứng dụng bất kì, chỉ cần vẽ tên trực tiếp lên màn hình hoặc vuốt từ cạnh phải sang trái để mở giao diện tìm kiếm ứng dụng theo dạng cột, tương tự như trên Windows Phone. Tính năng này giúp cho việc điều hướng tại màn hình chủ thông minh hơn, và dĩ nhiên, nó chỉ nằm trên N1.
Điểm trừ lớn nhất của Nokia N1, cũng là đặc điểm chung của tất cả các dòng smartphone hay tablet dành cho thị trường nội địa của Trung Quốc, là không có kho ứng dụng Play Store của Google. Trên thực tế, điểm yếu này cũng dễ khắc phục, bởi Android là một hệ điều hành mã nguồn mở, việc can thiệp và cài đặt kho ứng dụng không quá khó. Dù Nokia trước đây cũng từng tuyên bố không bán phiên bản quốc tế của N1, nhưng thực tế trên thị trường có khá nhiều sản phẩm N1 được cài đặt sẵn Google Play Store và được cấp chứng nhận từ Google. Ở những phiên bản không cài sẵn Google Play Store thì người dùng cần root máy để cài đặt nó, hoặc cài chợ ứng dụng AppVN hoặc Amazon Appstore để có thể tải thêm ứng dụng về máy.
Về cấu hình, Nokia N1 được trang bị vi xử lý 22nm Intel Atom Z3580 4 nhân xung nhịp 2.3GHz, nền tảng 64bit Moorefield, GPU PowerVR G6430 cùng 2GB RAM và 32GB bộ nhớ trong. Chiếc tablet này chạy khá ổn định, mượt mà, không có hiện tượng chậm, đứng hay treo ứng dụng. Cấu hình của N1 nhận được số điểm Antutu lên đến 47.200, chỉ kém chiếc Galaxy Note 4 không quá xa. Dù vậy, máy không chơi được một vài game, ví dụ như Asphalt 8, do vi xử lý của Intel chưa hỗ trợ. Ở một game khác là Ski Safari thì cảm nhận được hình ảnh chuyển động mượt mà trên màn hình 2K (1.536 x 2.048 pixels). Mật độ điểm ảnh cao (324ppi) đã giúp cho hình ảnh nhân vật dù lớn hay nhỏ vẫn rất rõ nét.
Điểm đáng chú ý nữa là phần âm thanh, Nokia N1 sở hữu 2 loa ngoài stereo đặt ở cạnh dưới (chính giữa là cổng USB Type-C), âm lượng trên bộ đôi loa này thực sự ấn tượng, tiếng to rõ, sống động, không bị vỡ khi thiết lập âm thanh tối đa.
Đối với camera, Nokia N1 sở hữu bộ đôi máy ảnh trước và sau có độ phân giải lần lượt là 8 và 5 megapixels, giao diện chụp ảnh của máy khá đơn giản và dễ hiểu, để đổi chế độ chụp sang quay phim và ngược lại, chỉ cần vuốt ngón tay từ mép trái màn hình vào giữa trên giao diện camera rồi lựa chọn biểu tượng tương ứng. Bên cạnh đó, thao tác vuốt từ mép phải vào sẽ chuyển sang xem những ảnh đã chụp. Màn hình thiết lập chế độ chụp của N1 cũng không có nhiều chức năng phổ biến hiện nay như HDR, chụp panorama… mà chỉ có 3 tính năng là chụp hẹn giờ, hiện khung lưới và chuyển sang camera trước. Hình ảnh chụp từ Nokia N1 ở mức khá trong điều kiện ánh sáng đủ và vỡ hạt khá nhiều trong bối cảnh tối.
Nokia N1 được trang bị viên pin dung lượng 5.300mAh tương đương 18,5Wh. Việc dùng thử N1 được tiến hành với các tác vụ căn bản như kết nối WiFi để liên tục mở 1 trong 3 nội dung: check Facebook, duyệt web và xem Youtube. Sau đó chụp 1 bộ ảnh ngoài trời khoảng 50 chiếc và quay video clip (FullHD) 15 phút. Tóm lại, sau tổng thời gian bật máy và hoạt động liên tục khoảng 5 tiếng thì N1 "kêu đói". So với dòng máy tính bảng cùng tấm giá thì thời lượng pin của N1 chỉ thuộc hạng trung bình thấp. Còn so với "người anh em sinh đôi khác cả cha lẫn mẹ" thì N1 thua xa, vì iPad Mini 3 có pin dung lượng 23,8Wh và thời gian test chuẩn được khoảng gần 7 tiếng.
Những ưu điểm căn bản của Nokia N1 là màn hình 7,9 inch độ phân giải 2K, thiết kế vỏ kim loại cứng cáp và tinh tế, cấu hình chip lõi tứ và bộ nhớ 32GB tạm ổn, dùng chuẩn kết nối USB Type-C và giao diện Z launcher mới lạ, đẹp và tiện nghi. Điểm yếu của máy là camera thiếu nhiều chức năng chụp ảnh, công suất pin trung bình thấp, không có kho ứng dụng Play Store và chưa có hàng phân phối chính hãng. Quan trọng hơn, hiện Nokia N1 được bán ra bởi Bách Khoa Computer với giá khoảng 7 triệu đồng, đây là mức giá khá cao so với các ưu - nhược điểm phân tích bên trên. Nếu máy được phân phối chính hãng với giá bán tương đương tại Trung Quốc - tức là khoảng 5,5 triệu đồng thì hợp lý hơn.
Không có nhận xét nào:
Write nhận xét